Vài năm trở lại đây giới sành chơi trang sức đá quý ở Việt Nam rộ lên phong trào diện và săn lùng những mẫu trang sức Tỳ Hưu đắt đỏ. Được cho là linh vật phong thủy trấn tài lộc, xua đuổi tà khí, đem lại may mắn cho chủ nhân. Nhưng Tỳ Hưu là gì hay làm sao linh vật này lại có sức mạnh to lớn như vậy thì không nhiều người trả lời được. Cùng tìm hiểu về truyền thuyết Tỳ Hưu để hiểu rõ hơn nhé.

 

Tỳ Hưu là gì

 

Tỳ Hưu hay còn được gọi bằng cái tên Tu Lỳ, là linh vật hư cấu có nguồn gốc từ Trung Hoa. Tỳ Hưu là một loại linh thú linh thiêng được miêu tả là: Đầu Lân, thân gấu, toàn thân có vảy như rồng, trên đầu có sừng, trên lưng có cánh và đặc biệt là không có hậu môn. Đây là đặc điểm độc nhất để phân biệt Tỳ Hưu với các mãnh thú  có hình dáng tương tự khác như Kỳ lân, Nghê, Sư tử,…Theo dân gian, Tỳ Hưu có hai loại khác nhau:

 

Loại hai sừng hay Thiên Lộc: Là loại Tỳ Hưu có khí chất uy phong, miệng rộng, bụng to, mông lớn, trên đầu có 2 sừng. Thức ăn chính là vàng, bạc, châu báu nên chúng được coi là thần bảo vệ của cải, mang đến giàu sang phú quý cho chủ nhân.

 

Loại một sừng hay Tịch Tà: Là loại Tỳ Hưu miệng luôn há rộng, toát ra sự hung dữ và nguy hiểm, trên đầu chỉ có 1 sừng. Chúng thường đi hút máu và tinh khí của ma quỷ, yêu quái để làm thức ăn nên được coi là linh vật xua đuổi tà ma, âm khí, mang lại sự bình an cho chủ nhân.

 

Tỳ Hưu có nguồn gốc từ Trung Hoa.

Tỳ Hưu có nguồn gốc từ Trung Hoa.

 

Tham khảo thêm:

 

 

 

 

Truyền thuyết Tỳ Hưu 1 – Con của Rồng

 

Một trong những truyền thuyết cổ nhất về Tỳ Hưu đó là một trong chín đứa con của Rồng. Gồm: Si vẫn, Phụ hí, Bệ ngạn, Bí hí, Toan nghê, Bồ lao, Trào phong, Nhai xế và cuối cùng là Tỳ Hưu. Tỳ Hưu may mắn sở hữu những đặc điểm đẹp nhất của các “anh em” nên có được bề ngoài hoàn hảo. Nhưng đúng là ông trời không cho ai tất cả, khi mới chào đời Tỳ Hưu bị dị tật là không có hậu môn, chưa được vài ngày đã chết non. Ngọc Hoàng thương tình nên cho Tỳ Hưu hóa thành linh vật nhà trời chuyên phò tá về tài lộc.

 

Tỳ Hưu sở hữu những nét đẹp hoàn hảo của “anh em”.

Tỳ Hưu sở hữu những nét đẹp hoàn hảo của “anh em”.

 

Truyền thuyết Tỳ Hưu 2 – Giấc mơ của Minh Thái Tổ

 

Vào thời nhà Minh (Trung Hoa) đời vua Minh Thái Tổ, do mới lập nghiệp nên ngân khố luôn trong tình trạng suy kiệt. Vua quá lo lắng nên ngày đêm ăn ngủ không yên tinh thần luôn bất an. Bỗng đêm nọ, nhà vua mơ thấy một con mãnh thú oai phong gần giống như con lân, trên đầu có sừng, đang đứng phía trước cung điện và ra sức nuốt những thỏi vàng bạc châu báu. Sáng dậy vua bèn mời thầy phong thủy về hỏi ý kiến mới biết rằng khu vực xuất hiện mãnh thú ấy là mảnh đất thiêng. Vua thầm nghĩ là ý trời sai thần thú hiển linh để phò tá mình trị vì đất nước nên lập tức ra lệnh xây dựng một cổng thành uy nghiêm trên đường dẫn vào Tử Cấm Thành, cũng chính là nơi thần thú xuất hiện. Vua nói con vật này tuy phàm ăn nhưng lại chỉ chọn vàng bạc châu báu để ăn. Hơn nữa, nó không có hậu môn dù có ăn bao nhiêu cũng không thể cho ra ngoài. Sau đó, nhà vua cũng sai thợ kim hoàn tạc tượng Tỳ Hưu theo miêu tả của mình bằng ngọc phỉ thúy và đặt trên gác cao của Tài môn. Theo người Trung Hoa xưa, chữ “Vương” trong hán tự thêm một dấu chấm thì sẽ thành chữ “Ngọc”, Tỳ Hưu làm bằng ngọc sẽ đem lại tài vượng lộc lá.

 

Từ ngày có linh thú, triều Minh ngày càng giàu có, mở mang bờ cõi và trở thành một trong những triều đại hưng thịnh nhất lịch sử Trung Hoa. Sau này, khi nhà Thanh cai trị họ cũng vẫn tin vào sự linh thiêng của linh vật này và đặt tên nó là Tỳ Hưu. Nhà Thanh cho tạc rất nhiều tượng Tỳ Hưu đặt tại cung Vua và cung Hoàng hậu. Nhưng cung của hoàng tử hay công chúa, hoàng thân, đặc biệt là quan lại thì tuyệt đối không được phép đặt, vì không ai được phép giàu hơn vua. Tuy bị cấm nhưng bọn quan lại và nhà giàu vẫn lén lút mời thợ điêu khắc về tận nhà làm tượng Tỳ Hưu vì tin vào sự linh thiêng của nó.

 

Truyền thuyết Tỳ Hưu 3 – Khiến một triều đại diệt vong lại lập lên một triều đại mới

 

Thời nhà Minh – Thanh giao tranh, đại công thần khai quốc của nhà Minh là Lưu Bá Ôn có căn dặn rằng muốn Đại Minh trường tồn thì phải giữ gìn con Tỳ Hưu trên lầu thành Đức Thắng Môn, mặt quay về phía Vạn Lý trường thành để trấn áp tộc Nữ Chân và Hung Nô. Chừng nào mặt thần thú còn ngoảnh về phương ấy thì Đại Minh chưa thể diệt vong. Nhà Thanh biết được truyền thuyết về sự linh thiêng của Tỳ Hưu nên rất thận trọng, họ cũng cho rằng nếu không phá vỡ được phong thủy của Bắc Kinh thì khó lòng nuốt chửng Trung Nguyên. Cuối cùng nhà Thanh nghĩ ra một kế, cử một vị đại sư thông thạo về phong thủy sang làm nội gián ở Đại Minh. Sau khi chiếm được lòng tin của vua Đại Minh lúc bấy giờ là Sùng Chinh liền xui khiến vua xoay mặt con Tỳ Hưu quay vào nội đô. Nghe lời gian thần, vua Sùng Chinh tự tay cắt đứt vận khí của nhà Minh khiến phong trào khởi nghĩa nổi lên khắp nơi. Hết Sấm Vương Lý Tự Thành lại đến Ngô Tam Quế, kết cục vua Sùng Chinh phải tự tay chém chết con gái là Trường Bình công chúa rồi tự vẫn theo. Khép lại một triều đại lừng lẫy và mở ra một trang sử mới của Trung Hoa là nhà Thanh.

 

Truyền thuyết Tỳ Hưu 4 – Bảo vật của tham quan Hòa Thân

 

Hòa Thân là một tham quan nổi tiếng trong lịch sử nhà Thanh, dưới thời vua Càn Long, đã được dựng thành phim và trình chiếu tại nước ta. Truyền thuyết kể rằng, thuở thiếu thời nhà Hòa Thân rất nghèo, không có nổi 10 lượng bạc nộp cho quan hòng xin nhận lại chức quan nhỏ mọn của cha. Sau phải nhờ ông Liêm là cha vợ cho số bạc đó Hòa Thân mới chính thức bước vào con đường quan trường đầy hư vinh sau này. Nhờ bản tính xu nịnh không ai sánh bằng, Hòa Thân từ một chức quan nhỏ vươn lên thành đại thần thân cận nhất của vua Càn Long, dưới một người mà trên triệu người. Câu nói đã đi vào lịch sử của Hòa Thân mà không người Trung Quốc nào không biết đó là “Những gì vua có thì Hòa Thân có, còn những gì Hòa Thân có thì chưa chắc vua đã có”.

 

Sau khi hành vi tham ô của Hòa Thân bị phát giác, quan quân đi tịch thu tài sản bất chính đã sốc đến ngã ngửa bởi tổng tài sản của hắn gấp 10 lần ngân khố của vua. Nhưng tài sản giá trị nhất có lẽ phải kể đến là 2 bảo vật trấn trạch mà Hòa Thân cất giấu trong 2 hòn giả sơn trước cổng nhà. Một là con Tỳ Hưu bằng ngọc phỉ thúy và hai là chữ “Phúc” do chính tay vua Khang Hy viết tặng bà nội mình nhân lễ mừng thọ. Con Tỳ Hưu của Hòa Thân được tạc từ ngọc phỉ thúy có màu xanh mát rượi, cả về kích thước cũng như chất liệu đều to và quý hơn con Tỳ Hưu của vua. Chính vì vậy người đời càng tin vì thế mà Hòa Thân giàu hơn vua.

 

Tương truyền Hòa Thân do sở hữu Tỳ Hưu mà giàu hơn cả vua.

Tương truyền Hòa Thân do sở hữu Tỳ Hưu mà giàu hơn cả vua.

 

Trang sức Tỳ Hưu

 

Tín ngưỡng về Tỳ Hưu manh nha du nhập vào nước ta trong thời kỳ phong kiến, và thực sự bùng nổ trong giai đoạn kinh tế mở cửa là những năm 1986 đến nay. Cho đến hiện tại, khi đời sống của con người ngày một nâng cao, các gia đình dư giả hơn thì cuộc chiến săn lùng và trưng diện trang sức tỳ hưu để thể hiện đẳng cấp cũng bắt đầu rầm rộ. Trang sức Tỳ Hưu được chế tác từ nhiều nền chất liệu khác nhau, nhưng chủ yếu là ngọc, đá quý, đá bán quý, đồng,… Các mẫu trang sức phổ biến là nhẫn, mặt dây chuyền, lắc tay. Không chỉ diện trang sức mà nhiều đại gia còn dùng để bày biện trong nhà với mong muốn phát huy hết công dụng phong thủy của Tỳ Hưu như xua đuổi tà ma, rước tài lộc may mắn.

 

Mặt dây chuyền Tỳ Hưu.

Mặt dây chuyền Tỳ Hưu.

 

Một số mẫu lắc vòng tay gắn hình Tỳ Hưu.

 

Một số mẫu lắc vòng tay gắn hình Tỳ Hưu.

Một số mẫu lắc vòng tay gắn hình Tỳ Hưu.

 

Nhẫn Tỳ Hưu rất được ưa thích.

Nhẫn Tỳ Hưu rất được ưa thích.

 

Nhiều nhà giàu đặt cả tượng Tỳ Hưu trong nhà và coi như “thần giữ của”.

Nhiều nhà giàu đặt cả tượng Tỳ Hưu trong nhà và coi như “thần giữ của”.

 

Tuy nhiên, vì nhu cầu ngày càng nở rộ nên các cơ sở sản xuất và buôn bán Tỳ Hưu kém chất lượng hoặc giả mạo chất liệu quý cũng nhiều không kể hết. Thử dạo quanh một vòng trên thanh công cụ tìm kiếm, các bạn có thể dễ dàng tìm thấy cả chục cơ sở rao bán trang sức Tỳ Hưu với giá cao cùng nhiều lời hứa hẹn về chất lượng. Nhưng sự thật ra sao thì không ai có thể kiểm chứng. Do vậy các bạn nếu có nhu cầu diện trang sức Tỳ Hưu nên tìm hiểu thật kỹ cơ sở kinh doanh để tránh “tiền mất tật mang” bởi trang sức Tỳ Hưu chỉ thật sự phát huy ý nghĩa phong thủy khi được làm những chất liệu sang trọng và được điêu khắc tỉ mỉ.

 

Mong rằng bài viết trên đã giúp các bạn giải đáp phần nào về truyền thuyết Tỳ Hưu, có cho mình nhiều kiến thức bổ ích. Hẹn gặp lại các bạn ở bài viết kỳ sau.