Nhắc đến Yên Bái, người ta ngay lập tức nhớ về nét văn hóa ẩm thực độc đáo với thịt trâu gác bếp, bánh chưng đen Mường Lò, Măng sặt Nghĩa Lộ, Cam Văn Chấn, hay mận tam hoa Mù Căng Chải… nhưng có lẽ nhiều du khách phương xa ấn tượng về Yên Bái nhiều hơn cả với địa danh “Chợ đá quý Lục Yên” – một trong hai thủ phủ đá quý lớn nhất Việt Nam có tuổi đời hơn 25 năm.

 

Cận cạnh khu chợ bán đá quý như…rau!         

 

Lục Yên là một huyện nhỏ ở phía Bắc của Yên Bái, đây là vùng đất màu mỡ nổi lên trong cơn sốt đá quý của những năm 90 thế kỉ trước. Chợ đá quý Lục Yên họp tại một góc hẹp cạnh hồ nước trung tâm của thị trấn Yên Thế, cách quốc lộ 70 khoảng 10km về phía Đông và cách thành phố Yên Bái khoảng 60km về phía Bắc.

 

Chợ họp cả tuần, chừng 3 tiếng buổi sáng mỗi ngày và đông vui nhất là vào Chủ nhật. Tùy mùa theo thời tiết mà phiên chợ diễn ra sớm hay muộn, nhưng thường thì bảy giờ sáng người bán hàng bắt đầu đến chợ. Cả chợ có khoảng ba bốn mươi sạp hàng, chủ hàng hầu hết là những phụ nữ, những người đã gắn bó với khu chợ này từ khi nó mới ra đời. Gọi là sạp hàng nhưng thực chất, chỉ đơn giản là một cái bàn gỗ con kích thước tầm 60 cm x 40 cm, trên bàn bày biện đủ các loại đá quý màu sắc khác nhau.


 Tấm biển cũ kỹ phía trước lối vào khu chợ “bạc tỷ”.

Tấm biển cũ kỹ phía trước lối vào khu chợ “bạc tỷ”.


 Chủ hàng hầu hết là phụ nữ. 

Chủ hàng hầu hết là phụ nữ.


Đá quý được bày bán đơn giản như…mớ rau.

Đá quý được bày bán đơn giản như…mớ rau.

 

Tìm hiểu thêm:

 

Mua đá quý chỉ từ 10 ngàn đồng!

 

Từ tinh mơ, hàng trăm dân buôn đá quý đã gom xong hàng từ các bãi khai thác đổ về khu chợ nhỏ. Hàng giao dịch tại chợ rất đa dạng gồm: Đá tôm, Thạch anh, Spinen, Tuamalin, Amazonite, Granat… nhưng nổi tiếng nhất là Ruby – loại đá quý hiếm, đắt đỏ bậc nhất chỉ sau kim cương. Với những du khách lần đầu tham quan khu chợ rất dễ “hoa mắt” bởi hàng trăm sắc màu khác.

 

Tuy nhiên, sản phẩm đá quý tại đây chủ yếu vẫn còn ở dạng thô, vừa được khai thác từ các mỏ chứ chưa qua chế tác hay mài dũa. Đá đã gia công đa phần là đã qua gọt giũa theo kiểu Cabochon (mài nhẵn) hoặc Facetted (mài cạnh) theo các hình khối thích hợp để làm mặt nhẫn, hoa tai...

 

Giá của chúng cũng rất vô cùng tùy thuộc từng loại đá, kích cỡ lớn nhỏ, chất lượng, màu sắc... Và dĩ nhiên, Ruby vẫn là một trong những loại đá quý có giá thành cao nhất. Nhưng thực tế những viên Ruby được bày bán ở đây đa phần đều rất nhỏ, khối lượng của chúng chỉ đạt khoảng trên dưới 10 cara và có giá dao động từ 1 - 3 triệu đồng.

 

Các loại đá quý thông thường khác như Thạch anh, Hổ phách, Thiên thạch... được bày bán rất nhiều với giá rẻ như “cho”, chỉ cần vài trăm nghìn cũng có thể mua được. Thậm chí với những loại đá thô, xấu, vụn, người ta có thể mua nguyên cả lô với giá vài chục nghìn đồng. Nếu bỏ công lên đến tận mỏ thì với những loại đá ấy, nhiều khi chỉ cần bỏ ra 10 nghìn đồng cũng có thể mua được.


Những viên đá ở đây chủ yếu vẫn còn ở dạng thô.

Những viên đá ở đây chủ yếu vẫn còn ở dạng thô.


Vô cùng đa dạng về chủng loại, kích thước, màu sắc.

Vô cùng đa dạng về chủng loại, kích thước, màu sắc.

 

Chợ đá quý Lục Yên – những giá trị đi cùng năm tháng

 

Điều đặc biệt và cũng là khác biệt  ở chợ đá quý Lục Yên so với các khu chợ khác đó là, cảnh mua bán diễn ra khá nhẹ nhàng chứ không hề "chợ búa" một chút nào. Không hề có cảnh tranh giành hay cãi cọ để giữ khách.

 

Từ người mua đến kẻ bán đều khá nhẹ nhàng, thoải mái. Các sản phẩm được bày biện gọn gàng, công khai ngay trên mặt bàn mà không cần bất kỳ phương pháp bảo vệ gì. Tại đây, khách có thể thoải mái chạm vào sản phẩm để xem xét, mặc cả; không thích có thể sang hàng bên cạnh mua mà không sợ bị lườm nguýt, càu nhàu.

 

Phần lớn những người mua bán ở chợ đã nằm lòng về nhau mấy mươi năm nay, giữa họ không chỉ có tình “làm ăn” mà còn là tình thân, nên chuyện giành giật khách là tối kỵ. Nếu chót vi phạm vào “lệ làng” này còn có thể bị tẩy chay hết đường làm ăn chứ chẳng chơi. Ở chợ cũng hầu như không có chuyện trộm cắp vì có người lạ là dân bản địa phát hiện ngay.


 Khung cảnh yên bình, dễ chịu mà không phải khu chợ nào cũng có được.

Khung cảnh yên bình, dễ chịu mà không phải khu chợ nào cũng có được.

 

Đá Lục Yên được đánh giá là đẹp, chủng loại đa dạng mà dải màu sắc cũng phong phú. Tận dụng nguồn đá vụn khá dồi dào khi chế tác, người Lục Yên đã sáng tạo nên một dòng tranh đá qúy khá độc đáo. Đây là loại tranh được làm từ 100% nguyên liệu là nguồn đá qúy tại địa phương.

 

Hai chất liệu chủ đạo là đá vụn (gọi là đá mắt tôm) và keo 502. Điểm khác biệt của tranh đá quý Lục Yên là không phải pha màu như các họa sĩ vẽ tranh. Tuy nhiên làm tranh đá qúy cũng đòi hỏi lắm công phu, từ khâu sơ chế đá, chuốt đá, chọn đá màu đến vẽ tranh, ghép đá…

 

Kỹ thuật gia công trong tranh đá qúy rất quan trọng, làm sao để những hạt đá màu li ti thể hiện được những hình ảnh mượt mà, sống động, trở thành những tác phẩm nghệ thuật thực sự chứ không chỉ dừng lại ở những mảng màu sắc đậm nhạt đơn thuần.


 Một số hình ảnh về sản phẩm tranh đá Lục Yên.

Một số hình ảnh về sản phẩm tranh đá Lục Yên.

 

Dù mới hình thành được vài năm trở lại đây nhưng làng tranh đá qúy đã có đến 50 cơ sở sản xuất tranh, chủ yếu tập trung ở trung tâm thị trấn Yên Thế. Hiện nay, tranh đá Lục Yên không chỉ dừng lại ở một số mẫu tranh dân gian đơn giản như Đông Hồ (Bắc Ninh) hay Hàng Trống (Hà Nội), những chiếc đĩa, quạt có chữ thư pháp… mà ngày càng xuất hiện những bức tranh khổ lớn, làm theo đặt hàng của khách phỏng theo các tác phẩm nổi tiếng thế giới.

 

Những điều chưa kể sau thời hoàng kim

 

Từ xa xưa, Lục Yên đã được mệnh danh là "vùng đất ngọc", nằm trên đá quý. Theo những trưởng bối trong nghề, ở lòng hồ Thác Bà xưa kia có chợ Ngọc. Người nông dân đi làm đồng, trẻ em đi chơi thường xuyên bắt gặp và nhặt được những viên đá đủ màu sắc nhưng do chưa hiểu được giá trị của chúng nên… chỉ để chơi.

 

Cho tới những năm 80 của thế kỷ trước, chính quyền tổ chức khai khoáng mới phát hiện ra nơi đây có nhiều loại đá quý, chất lượng thuộc hàng thượng hạng thế giới. Những viên đá có giá trị nhất Việt Nam đều được khai thác từ đây. Lục Yên còn tự hào có viên Ruby đỏ được giữ làm bảo vật quốc gia, tên 'Ngôi sao Việt Nam'.

 

Đó là viên đá Ruby lớn nhất, có trọng lượng 2.160 gram tương đương 10.800 cara. Từ đó Lục Yên trở thành thủ phủ của đá quý bên cạnh Nghệ An. Người dân tứ phương đổ xô về đây khai thác, buôn bán, trao đổi mặt hàng xa xỉ này. Phiên chợ bán mặt hàng đặc biệt này cũng vì thế mà đã thay đổi số phận nhiều người. Có những người may mắn thì bỗng chốc vụt lên hàng đại gia nhưng cũng không ít người thì tay trắng, tan cửa nát nhà bởi đá quý. Những viên đá có gía bạc tỷ cũng “thưa thớt” hẳn, chỉ có những viên giá trăm nghìn đến vài triệu đồng.

 

Ngoài những thành viên có thâm niên đã nhẵn mặt nhau, nhiều lúc chợ đá quý cũng xuất hiện những vị khách vãng lai, đôi lúc có cả khách nước ngoài đến mua đá. Và đây chính là miếng mồi ngon cho những kẻ làm đá giả. Từ vài năm trở lại đây, tại chợ đá Lục Yên đã xuất hiện công nghệ đổi màu đá, tức là từ những viên đá kém phẩm chất qua quá trình xử lý kỹ thuật, thợ đá sẽ làm cho những viên đá này nhìn bên ngoài hệt như những viên đá đắt tiền.

 

Nhiều người không sành đã bị lừa bởi chiêu này. Để đảm bảo chữ tín của đá quý trong vùng, Hiệp hội đá quý Lục Yên cũng được thành lập. Chợ đá quý do các thành viên trong hội quản lý nên hoạt động có quy củ và uy tín hơn. Hiệp hội đá quý Lục Yên đã kiên quyết xử lý, tẩy chay hàng giả, hàng kém chất lượng, để giữ vũng thương hiệu đá quý Lục Yên.


Nếu không có kinh nghiệm và quan sát tỉ mỉ, khách dễ mua phải đá  kém chất lượng.

Nếu không có kinh nghiệm và quan sát tỉ mỉ, khách dễ mua phải đá  kém chất lượng.

 

Cũng như nhiều món trang sức xa xỉ khác, đá quý có lịch sử hình thành lâu đời và giá trị được xếp vào loại đắt đỏ. Chính vì vậy mà thị trường kinh doanh loại hàng này luôn là miếng bánh hấp dẫn với giới kinh doanh. Giữa hàng trăm nhãn hiệu trang sức hay đá quý khác nhau như hiện nay, có lẽ chúng ta cảm thấy ấn tượng và hiếu kỳ nhiều hơn với khu chợ có một không hai này - chợ đá quý Lục Yên.

 

Trong tương lai, mong rằng khu chợ nhỏ này mãi luôn gìn giữ được những "chất" riêng của mình và xóa sổ những vấn đề tiêu cực đang làm giảm hình ảnh đẹp của nó trong lòng du khách thập phương. Nếu bài viết của Eropi khiến bạn phấn khích, thì hãy xách balo lên và đi thôi, để được một lần hòa vào khu chợ "xa hoa" nổi tiếng, chợ đá quý Lục Yên.